TU THÂN

THIỀN ĐẠO YẾU PHÁP


I.THIỀN : Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết, một quan niệm, những cái gì cấu tạo bằng ảo giác, bằng suy luận, bằng những ý niệm, trừu tượng mơ hồ.
Thiền cũng không phải là một môn triết học hay khoa học với tất cả hệ thống, cơ cấu tổ chức của nó.Thiền là một danh từ tạm dùng để ám chỉ một tâm thái hoàn toàn sáng tạo, một tâm thái thường trực, bất biến, phi thời gian, ngoài mọi xung đột, ngoài mọi suy tưởng lý luận và không có một biến động nào trên đời này có thể xâm phạm được, và ta chỉ có thể đạt đến tâm thái này bằng hành động, bằng sự thể nghiệm thân chứng của chính cá nhân, chứ không thể bằng những cuộc thảo luận qua ngôn từ, sách vở.

Do đó, thiền đòi hỏi ta phải thực nghiệm và muốn hiểu thấu, ta phải thực sự sống với chính mình, đào xới và đi sâu vào tâm hồn mình. Phải tự thực nghiệm và thân chứng cái tâm thái tự do và an nghỉ đó chứ không phải là lý luận suông. Lý luận bàn cãi không phải là con đường đi đến thiền.Thiền không bảo ta tìm định nghĩa mà tìm bằng lối Thiền thực nghiệm. Mọi định nghĩa đều nông cạn và phù phiếm, mọi suy luận đều luẩn quẩn và chỉ tạo ra những ảo giác. Thực ra danh từ thiền chỉ là một tiếng rỗng tuếch, không có liên hệ gì với cái tâm thái tự do an nghỉ của chúng ta. Tâm thái đó không có hình thù tên gọi.Danh từ thiền là tiếng dùng để tạm ám chỉ. Dù cho có gọi là gì thì nó cũng vậy thôi, không thêm, không bớt. Nếu thích, ta có thể gọi nó là Phật, là Thượng đế, con bò, cục đất … hay bất cứ cái gì, tùy ý. Danh từ là vật chất. Ta hãy lắng nghe lại lòng mình và quên hết lời đi. Như ngón tay chỉ mặt trăng, lời nói được tạm dùng để gói ghém cái Ý CHÍ. 


Đừng bao giờ để danh từ trở thành một nhà tù giam hãm tâm trí hay làm vướng bận bước chân trên đường giải thoát của ta.Tham thiền rất khó! Nó đòi hỏi nơi hành giả một sự tự giác cao đo. Tham thiền đúng nghĩa là người đã đạt được trình độ kiến tánh (trong pháp môn kiến tánh thành Phật) tức là tỏ ngộ được tâm thái tĩnh lặng bất biến, tự do và an nghỉ tuyệt đối với mình cũng như với vũ trụ vạn vật. Sự tỏ ngộ đó sẽ soi sáng, hướng dẫn ra mọi hành vi tư tưởng, mọi động tác bé nhỏ trong mọi sinh hoạt hằng ngày và vì nằm trong cái tâm thái tỏ ngộ mà lúc nào ta cũng thiền. Thiền trong mọi giây phút, mọi động tác và mọi sinh hoạt, ngay cả khi ăn tắm, ngủ hoặc đấu võ hay đấu kiếm.Chính sự tỏ ngộ, sự trực nhận ra cái tâm thái tĩnh lặng, tự do và an nghỉ tuyệt đối nơi mình, đó là khởi điểm của Tham thiền, là chìa khoá để mở cửa Thiền và chỉ khi nào tỏ ngộ trực nhận ra cái tâm thái đó nơi mình thì lúc đó ta mới thực sự hiểu biết Thiền là như thế nào.


Chưa tỏ ngộ, trực nhận ra cái tâm thái tĩnh lặng, tự do vô biên nơi mình thì chưa thật sự tham thiền, mặc dù ta có thể nói Thiền này, Thiền nọ, luôn miệng, đôi khi viết cả sách Thiền để dạy thiên hạ, nhưng bất quá chỉ là Thiền danh từ.Ta vẫn còn đứng ngoài ngưỡng cửa Thiền, mọi hành vi, mọi tác động của ta dầu co tinh vi khôn khéo đến đâu cũng chỉ là tính toán, dò dẫm của ý thức và không thể tránh khỏi vụng về dại dột, lầm lẫn và xung đột.Khi tỏ ngộ được tâm thái tĩnh lặng đầy tự do an nghỉ nơi mình rồi thì cuộc sống của ta tràn đầy ý nghĩa, mọi hành vi động tác của ta đều được soi sáng đúng mức. Một nhãn quan mới về nhân sinh, vũ trụ được mở ra, cõi đời này sẽ không còn là biển khổ, một bức tranh gớm ghiếc, mà là một bức họa, một cuộc hợp tấu tuyệt vời. Ta sẽ nhìn đời bằng cặp mắt bình đẳng tràn đầy tình yêu sống trên cao độ “ siêu ý thức “.Khi cánh cửa Thiền mở rộng ông thầy sẽ lùi bước không còn ai làm thầy ta được nữa, cũng chính ta nhận thấy rằng mình không thể làm thầy ai, tiếng thầy trò chỉ là giai đoạn. 


Sau khi cánh cửa Thiền đã bật mở (tự tỏ ngộ siêu ý thức) thì ông thầy không còn chỗ đứng nữa. Mọi sự giúp đỡ đều trở nên thừa và chẳng còn ai để can thiệp sau cánh cửa này. Từ đây ta phải tự lo liệu lấy mình, phải cất bước độc hành. Có thể còn những cuộc chiến đấu đấy, nhưng dù phải chiến đấu ta vẫn luôn luôn được sáng tỏ và không bao giờ bị lạc hướng. Ta đã có bản đồ và kim chỉ nam là sự liễu ngộ. Giống như chim đại bàng, dù phải trải qua những cơn bão tố thì cũng không thể chui vào bụi rậm để sống như chim chích chòe, rồi cuối cùng cũng vỗ cánh bay về an nghỉ trên đỉnh núi xa xăm cao vút, cách biệt với thế sự thăng trầm.Có một điều đáng nói là tất cả những ai có được một lần tỏ ngộ, một lần bật mở cánh cửa Thiền, dù chỉ một lần và chỉ trong một khoảnh khắc thôi, là không thể nào quên được không khí đó, và sớm muộn gì người ấy cũng tìm đến cái cội nguồn an nghỉ đó. 


Dù thế nào rồi rốt cuộc cũng vẫn thấy đó là mục tiêu đích thực của cuộc đời. Một mục đích phải đến trong thân phận làm người và thế nào cũng đến chứ không thể khác hơn, khi cá nhân được chuẩn bị chu đáo, tâm trí đạt đến cường độ đầy đủ trọn vẹn thì công việc cuối cùng còn lại chỉ là chờ đợi cái giây phút mà Thiền học gọi là KHAI THỊ. Ngay trong khoảnh khắc được khai thị đó cá nhân tức khắc lọt vào Thiền. Một con người mới với tất cả nhãn quan vũ trụ mới bộc lộ, tức là đồng chất với CHÂN LÝ. Sự khai thị không nhất thiết phải công việc của ông thầy, một bậc tôn sư Thiền đức, dù điều này thường xảy ra. Có thể chỉ cần một tiếng suối reo, một cơn gió thoảng, một chiếc lá rơi, một cành cây khô gãy … Khi đó cá nhân thức giấc, vụt thoát khỏi cơn mộng trường, tỏ ngộ và thân chứng chân lý, trực nhận ra cái tâm thái tự do sống động, bất biến và tràn đầy tĩnh lặng nơi mình (mình là vũ trụ, vũ trụ là mình). 


Nếu được chuẩn bị chu đáo thì ngay giây phút tỉnh thức đó, có lẽ cá nhân không còn phải chiến đấu nữa, mà an nghỉ trọn vẹn trước tâm thái hoàn toàn tự do tĩnh lặng vô biên đó. Một cơ chuyển hóa toàn diện xảy ra đưa ta đồng nhất với chân lý.Như vậy, trước khi khởi cuộc hành trình trên con đường diệu vợi này, ta sẽ có một bản đồ và kim chỉ nam trong tay, đã rõ những nét của lộ trình sắp tới, thấy rõ nơi ta phải đến. Muốn qua biển ta phải dùng bè, để chứng ngộ cái tâm thái đó, ta phải chuẩn bị cá nhân cho chu đáo, phải tự đào xới tâm hồn mình, chuẩn bị con người mình trong tư thế chờ đợi giây phút tỉnh thức tuyệt vời đó.Sau đây, là những phương cách chuẩn bị cá nhân, những phương pháp này được xem như những nhịp cầu tạm thời ráp nối để đưa ta sang bờ bên kia. 


Hẳn nhiên cứu cánh nằm trong phương tiện, các nhịp cầu phải được đặt đúng địa điểm phương hướng mới đưa được con người đến nơi đã định. Nhưng nếu cho nhịp cầu là chỗ đến cũng sai. Còn gì dại dột hơn khi bước lên cầu rồi chẳng chịu sang sông, cứ lo đứng ngắm nghía khen ngợi cây cầu và xây tổ ấm luôn trên đó. Dù cho đẹp đẽ tân kỳ, cầu chỉ tồn tại trong một thời gian rồi cũng hư mục … Các phương cách này chỉ là cách thức chuẩn bị nội tâm, nhằm đi đến tư thế chờ đợi phút giây tỉnh thức, tỏ ngộ tâm thái tự do, an nghỉ.Chỉ có thể những người uống nước, nóng lạnh, giây phút đó sẽ biết, chẳng có gì để nói cả. Mọi luận giải để tạo ra ảo giác sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện nội tâm ta, chứ không đi đến đâu hết.Trong cuộc hành trình, còn nhiều chuyện để nói, nhiều chi tiết sẽ đi sâu vào.Bây giờ mời qúy vị lên đường … 


Lên đường ở đây là lắng nghe, nghe lại lòng mình, áp dụng những lời sau đây bằng ý thức, cảm giác, động tác, tư thái, chứ không bằng lời nói lặp đi lặp lại trong cái trí nhơ.Thiền là trực chỉ nhân tâm. Muốn hiểu Thiền, phải thực nghiệm, phải tìm lời giải thích bằng thân chứng chính mình, chứ không phải chạy theo ngôn từ của kẻ khác, cho dù kẻ đó là đức Phật hay bất cứ ai.


II. PHÉP XẢ


Xả là một phương pháp dinh dưỡng nghỉ ngơi của tâm hồn lẫn thể xác. Phương pháp này vừa giản dị vừa dễ thực hành, vừa thích hợp với tất cả mọi con người, mọi trình độ, mọi hoàn cảnh mà lại cho một kết quả phi thường. Nếu áp dụng đúng, ta sẽ luôn luôn thoải mái an lạc trong mọi thời khắc. Ngoài ra, ta sẽ tránh được mọi xung đột tâm lý cũng như sinh lý : Không nóng giận, cau có, phiền muộn. Tâm ta luôn bình thản trầm tĩnh. Thể xác không mệt mỏi, dù phải làm việc nặng nhọc và mọi cảm giác chán nản sẽ tiêu tan. 


Đứng trước mọi biến cố ta không còn run sợ, lo âu, hoảng hốt, không còn rơi vào trạng thái mê ngủ, hôn trầm, và cuối cùng nếu áp dụng đúng ta sẽ tránh được nhiều bệnh do trí não gây lên, cũng như các thứ bệnh phát sinh do những sinh hoạt thiếu tự nhiên của cá nhân.Thiền không có thời gian, quá khứ hay tương lai mà chỉ có hiện tại “ngay bây giơ, ngay phút giây đây” Do đó Thiền không bao giờ hứa hẹn đến ngày mai, mốt hay năm tới, kiếp sau gì cả. Cho nên một môn đồ đúng nghĩa của Thiền phải gạt bỏ ngay cái thời gian tâm lý ra khỏi tâm trí và hành động tức khắc, sống ngay khoảnh khắc hiện tiền và tại đây. 


Các dòng chữ sau đây sẽ trở nên vô nghĩa và không có một giá trị tinh thần nào hết nếu qúy vị chỉ đọc suông, cũng như lo lặp đi lặp lại cho đầy trí nhớ mà không chịu thể nghiệm. Những dòng chữ này sẽ có một giá trị lớn lao tức khắc ngay trong chính bản thân qúy vị, nếu mà quý vị thay những lời đọc suông này bằng những hành động thực nghiệm hiện tiền, nghĩa là vận dụng tâm trí hành động ngay những gì qúy vị đang đọc đây. Giờ quý vị hãy cùng tôi thực nghiệm phép xả ngay khi qúy vị đọc tới dòng chữ này.

Qúy vị hãy chú tâm vận dụng ý thức, sửa lại tư thế qúy vị đang ngồi cho ngay ngắn, đầu cổ ngay ngắn, buông thõng hai vai xuống thay vì so vai lên cứng ngắc, duỗi hai chân ra hay để chân trong tư thế thong thả hợp cách thay vì để chân co quắp và thiếu tự nhiên. Buông lỏng các giây thần kinh não bộ, nới lỏng các bắp thịt, mềm người ra để trọng lực toàn thân rơi xuống đúng cái vị trí tự nhiên của nó. Hãy lắng nghe tất cả các máy động trong cơ thể qúy vị, xem còn có cơ quan nào, một dây thần kinh nào vẫn còn co thắt căng thẳng thì buông lỏng nó ra. Đặt trọn con người của qúy vị trong tư thế tự nhiên và hoàn toàn nghỉ ngơi, an nhàn thoải mái.Hãy lắng nghe và điều chỉnh ngay trong con người của qúy vị xem dây thần kinh nào còn căng thẳng, bắp thịt nào còn co quắp, buông bỏ luôn cả cái nhăn mặt, nhíu mày …


Như qúy vị thấy, phép xả này thật quá giản dị nhưng cũng không phải là dễ thực hành. Thật ra nó không khó song chỉ vì xưa nay chúng ta quen co quắp gân, bắp thịt và dây thần kinh, chúng ta luôn ở trong tình trạng căng thẳng gần như cái tật. Công việc của chúng ta hiện thời là ý thức kiểm soát các bắp thịt, thần kinh trong người mình, trả nó về với tư thế tự nhiên thoải mái của nó.Hẳn buổi đầu chúng ta sẽ quên và chật vật trong sự kiểm soát các bắp thịt, thần kinh trong con người mình. Có phải mất đi một thời gian ta mới có thể trả con người mình về được cái trạng thái nghỉ ngơi tự nhiên như thuở ban sơ của nó và “không còn phải điều động ý thức”


Nên cố áp dụng phương pháp này trong mọi sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như ngủ thì tìm một tư thế nào cho thật thoải mái. Có thể nằm nghiêng bên phải hay nằm sấp càng tốt. Đặt trọn con người qúy vị ở trong tư thái nghỉ ngơi, hoàn toàn buông lỏng các giây thần kinh. Chú tâm lắng nghe và kiểm soát trọn vẹn con người qúy vị cho đến khi ngủ thiếp đi. Nếu thực hành chu đáo, qúy vị sẽ có một giấc ngủ tuyệt vời một cách dễ dàng không mộng mị. 


Khi thức giấc, dù chỉ ngủ được một vài phút thôi cũng vẫn cảm thấy khỏe khoắn, tỉnh táo và có cảm giác như đã ngủ lâu rồi, đủ quá rồi. Chỉ khi nào con người của qúy vị được nằm trọn vẹn trong một tư thế hoàn toàn nghỉ ngơi, tự nhiên trong mọi sinh hoạt hàng ngày, trong mọi thời khắc, khi thức cũng như khi ngủ, không còn một dây thần kinh nào, một bắp thịt nào trong cơ thể qúy vị co quắp lại hay căng thẳng nữa, thì lúc ấy qúy vị sẽ nhận thấy có một sự an lạc tràn dâng trong qúy vị. Mọi sự đi đứng nằm ngồi ngủ nghỉ của qúy vị sẽ không còn là động tác vô nghĩa nữa và lúc bấy giờ mỗi động tác dù bé nhỏ, cũng đều chứa đựng những tiếng nói vô cùng. 


Qúy vị sẽ học nhiều điều qúy giá nơi mình mà chưa từng có ở trong sách vở hay trong lý luận, ngôn từ. Qúy vị sẽ khám phá ra một dòng sinh hoạt mãnh liệt bên trong qúy vị. Có thể qúy vị cũng thấy có một sự thông minh riêng, ngoài ý thức. Tất cả các máy động trong cơ thể qúy vị đều mang một tính chất đầy ý nghĩa và chúng sẽ dạy qúy vị làm sao đáp ứng những thách đố, những phản ứng đó.Sức mạnh thể chất cũng như tinh thần sẽ bộc lộ ra trước những biến động của ngoại giới, qúy vị sẽ bình thản và trầm tĩnh sáng suốt một cách lạ thường


Một sự trầm tĩnh tự nhiên, không giả tạo, không cần có một sự cố gắng nào của ý chí. Trong mọi sinh hoạt thường nhật, trước mọi thách đố ngoại giới, con người qúy vị sẽ có những phản ứng đáp đáp lại thật tài tình, vượt ngoài mọi sự tính toán của ý thức. Mọi thách đố đối với qúy vị sẽ trở thành một thú vui chứ không còn là một cực hình nữa. Từ đây qúy vị sẽ bắt đầu dấn thân trên con đường nghệ thuật sống. Đây là nền móng khai mở “Khả năng tự tri” của ta. 


Chính khả năng TỰ TRI này sẽ dẫn ta đến trước ngưỡng cửa Thiền, chờ đợi giây phút  chuyển hóa, cái cơ hội đột biến toàn diện cơ cấu tâm lý con người khiến ta thân chứng “ Chân lý” và lọt vào cửa Thiền,  an nghỉ trong tâm thái phi thời gian, thường trực, bất biến. Chắc là suốt thời gian từ lúc đọc các chữ đầu tiên của phép xả cho đến giờ qúy vị vẫn đặt trọn con người qúy vị vào tư thế nghỉ ngơi? Chúng tôi mong như thế! Bởi vì Thiền chỉ có hiện tại, ngay bây giờ ta muốn thấu hiểu Thiền, cần phải thể nghiệm và thân chứng, phải lắng nghe trở lại mình, chứ không để tâm trí chạy theo lời nói của kẻ khác


Bây giờ qúy vị hãy chuẩn bị cuốn nhật ký để ghi chép tiến trình hành động mỗi ngày của qúy vị. Chúng tôi mong qúy vị thực hiện phép “ Xả” này trong mọi sinh hoạt và tất cả mọi động tác hàng ngày, không bỏ một giây phút nào, khi bận rộn cũng như khi nhàn rỗi qúy vị đều đặt mình trong tư thế nghỉ ngơi thoải mái. Mong rằng từ giây phút này cho đến khi các dòng chữ đầu tiên được chép ở trong nhật ký, qúy vị sẽ biến sang một tư thế mới.


Sau một tuần thực nghiệm, qúy vị hãy để ra vài phút ghi tưởng những nét chính trong tiến trình thực nghiệm của qúy vị gửi về cho chúng tôi. Phép xả này  xây dựng trên nền móng của khả năng “ TỰ TRI”, không thực hành phép xả này một cách chu đáo, ta sẽ gặp khó khăn trong việc khai triển khả năng TỰ TRI, thì ta không đạt đến một sự tham thiền đúng nghĩa, không có hy vọng đi đến giây phút tỏ ngộ chân lý, thân chứng cái tâm thái tự do an nghỉ nơi ta.Từ phép xả này làm khởi điểm, chúng ta sẽ đi thật xa.

III.PHÉP TỰ TRI : Tự tri là tự biết mình, là ý thức được con người mình, ý thức một cách trọn vẹn và sâu thẳm. Tự tri là khởi điểm của MINH TRÍ, là bắt đầu cho một sự thông minh tâm hồn. Tự tri cũng có nhiều cấp độ, mà cấp độ cao nhất của tự tri là tỏ ngộ tâm thái an nghỉ, một sự an nghỉ trong tâm thái tuyệt vời. Trong chúng ta thật hiếm người đạt đến cao độ tự tri đó, nhưng một khi đạt đến cao độ đó thì hẳn là cá nhân ấy đã xác định rõ rệt mục đích thực sự của đời mình, người đó đúc kết được một bảo đảm chắc chắn trong thân phận làm người của mình. Do đó tham thiền đúng nghĩa luôn luôn bắt nguồn từ sự tự tri. 


Thiếu tự tri không thể có tham thiền, cũng không mong gì đi đến cái giây phút tỏ ngộ và đồng nhất với chân lý, và dù có làm gì thì các công phu nỗ lực của ta cũng chỉ là những hành động luẩn quẩn. Có thể ta cũng đạt đến một kết quả nào đấy nhưng đó chỉ là những kết quả máy móc, chứ không phải là một sự giải thoát đích thực. Thiếu tự tri ta không tài nào thoát khỏi ảo giác, các hành động nhằm giải phóng cá nhân chỉ gây thêm trói buộc, xung đột phiền não. Hầu hết chúng ta đều tiềm tàng khả năng tự tri này. Khả năng này sở dĩ không bộc lộ được chỉ vì chúng ta mãi bận rộn, điên đầu với bao nhiêu biến động ngoại giới


Mặt khác, chính các động tác lăng xăng, náo động một cách vô ý thức của chúng ta đã làm tiêu phí một số lớn năng lực tâm trí. Ngay cả những ước mơ hy vọng, khát khao và những tư tưởng lang thang, những ý nghĩ viển vông cũng làm cùn lụt tâm trí, làm tản mát khả năng tự tri của chúng ta. Do đó, phần đông chúng ta, do những hành động vô ý thức trong đời sống thường nhật, không nhận biết có khả năng tự tri này.

Có một điều cũng nên nói là khả năng tự tri này không liên quan đến kiến thức giáo dục mà ta đã từng hấp thụ bên ngoài, nơi gia đình và nơi bên ngoài xã hội. Cho nên một người có một kiến thức uyên bác chưa hẳn là người có khả năng tự tri cao độ. Cũng như một nhà thông thái trí thức chưa hẳn là một người có tâm hồn thông minh. Một tâm hồn thông minh không phải là một tâm hồn với trí nhớ nặng trĩu kiến thức, mà là một tâm hồn tràn đầy tỉnh thức bén nhạy, luôn luôn tự chủ, không bao giờ bị ngoại giới chi phối, cuốn hút hay mê hoặc.

Giáo dục có thể đưa con người từ tình trạng vô ý thức lên tình trạng ý thức. Nhưng khả năng tự tri ở một mức độ cao thì thuộc về lãnh vực siêu ý thức. Do đó mọi sự dạy dỗ thuộc bên ngoài đều bất lực trong việc khai triển khả năng TỰ TRI này. Chính vì siêu ý thức thuộc một lãnh vực đứng ngoài tầm của sự giáo dục, nên ta cũng không lấy làm gì lạ khi thấy các trường Đại học ở trên thế giới rất nổi tiếng mà chỉ đào tạo các chuyên viên về khoa học, kinh tế, chính trị … mà không thể đào tạo được SIÊU NHÂN. 


Có người cho rằng siêu ý thức cũng như tình trạng vô ý thức. Đây là một sự ngộ nhận tai hại. Thực ra đó là hai thái cực xa một trời một trời một vực, một đàng là “u mê ngu tối” còn một đàng là “tĩnh lặng tràn đầy sự tự do tỉnh thức và sáng tạo”. Giống như từ một đứa trẻ đi đến ông già, phải trải qua giai đoạn trưởng thành của người lớn, từ tình trạng u mê tối tăm hỗn độn của vô ý thức, muốn đạt được đến độ của SYT, cá nhân chắc chắn không thể không qua giai đoạn của ý thức. 


Vô ý thức là u mê tối tăm, hỗn độn của một tâm trí chưa được khai hóa, còn bản năng ý thức là tình trạng của một tâm trí đã được khai mở, đã được gạn lọc và dạy dỗ bằng kinh nghiệm qua những cuộc va chạm, tiếp xúc giữa cá nhân và ngoại giới, tức là LÝ TRÍ. Nhưng siêu ý thức thì trái lại là tình trạng của một tâm trí đã đi đến chỗ già dặn, chín chắn, trút bỏ mọi sự kinh nghiệm, mọi gánh nặng của trí nhớ, tĩnh lặng và hoàn toàn tự do sáng tạo.Tầng lớp siêu ý thức thường được bộc lộ bằng một tỉnh thức nội tại. Sự tỉnh thức này là khởi điểm của thông minh tâm hồn. Nó được thể hiện bằng hành động trút bỏ mọi kinh nghiệm mà từ xưa đến nay cá nhân đó không ngừng gom góp trong kho trí nhớ.


Sự trút bỏ kinh nghiệm này chỉ có thể thực hiện được bằng kỹ thuật luyện tập dạy dỗ bên ngoài. Khi nghe nói phải trút bỏ gánh nặng kinh nghiệm nhiều người trong chúng ta hoảng hốt lo sợ. Chính lỗi lo sợ hoảng hốt này, chứng tỏ cá nhân chưa hề có một lần thể nghiệm mà chỉ sống lục đục trong cái chuồng tư tưởng với những suy diễn lý luận ở trong phạm vi ý thức. Ta không thể thấu đáo phần siêu ý thức bằng lối suy diễn lý luận ý thức, vì siêu ý thức là tầng lớp nằm ngoài mọi suy diễn lý luận. Mà có thể nào ta đo lường được cái không suy diễn, không suy nghĩ, bằng cách suy nghĩ? Giống như kẻ muốn nhấc cái thúng mà lại ngồi trong cái thúng! Nhưng chính tư tưởng của ta đã có những hành động hết sức ngớ ngẩn và hiếm có đó, khi nó tin rằng nó có thể thấu đáo phần siêu ý thức bằng suy nghĩ, lý luận. 


Khi nào còn suy nghĩ, diễn tiến lý luận trên bình diện ý thức thì ta còn hoảng hốt sợ hãi. Nhưng nếu ta quăng bỏ suy diễn, lý luận thì mình rơi sâu xuống tận đáy tâm hồn để đón nhận một tỉnh thức nội tại, thì cá nhân tức khắc sẽ thấy rằng nỗi hoảng hốt lo sợ của mình là hão huyền, đây chỉ là nỗi hoảng hốt sợ hãi của cái tôi của mình. Nó sợ không còn chỗ ẩn núp tồn tại. Do đó, Thiền đòi hỏi ta phải thực nghiệm, phải tìm tòi giải đáp bằng hành động đi sâu vào con người của mình, để đạt đến sự chứng nghiệm của cá nhân chứ không phải tìm lời giải thích bằng suy diễn lý luận trên ngôn từ!

Chính điểm này Thiền siêu thoát, vượt mọi tôn giáo, mọi triết học và chối bỏ mọi lý thuyết sách vở. Hành động trút bỏ kinh nghiệm có thể diễn ra từng phần, từng giai đoạn, mà cũng có thể diễn ra trọn vẹn một lần, thay đổi cả tiến trình trong một lúc, tùy theo cường độ tỉnh thức của cá nhân, và điều này không mấy quan trọng. Điều quan trọng là làm sao để có một sự tỉnh thức nội tại, ngõ hầu phần siêu ý thức bộc lộ, vì chỉ một khi tỉnh thức nội tại trỗi dậy, thì lúc đó cá nhân mới có đủ khả năng tách bỏ mọi gánh nặng kinh nghiệm, cất mình khỏi phạm vi ý thức, một phạm vi mà khi đã nằm trong đó, cá nhân luôn luôn phải tính toán chiến đấu và xung đột không ngừng. 


Trong chúng ta, có đôi người, khi vừa hội ý, họ liền buông hết mọi ý niệm, để con người trọn vẹn chìm xuống khỏi bề mặt ý thức, như thể cục đá bị ném xuống nước nó tìm được cách nhanh nhất để rơi xuống đáy. Họ còn để cho con người họ lắng xuống cho đến khi đụng đến một tỉnh thức nội tại. Đây là những cá nhân siêu đẳng, là những con người hiếm có. Đối với những người Đại Hùng, Đại lực này ta không còn phải luận bàn về họ, họ cũng không phải học thêm điều gì nữa, vì mọi hành động của họ đã chứng tỏ là họ nắm chắc nghệ thuật trong tay. 


Mọi bàn luận đối với họ đều thừa. Đối với hạng thường nhân chúng ta chắc không có tham vọng hành động một cách phi thường như những cá nhân siêu đẳng đó. Chúng ta hành động một cách khác, tuy chậm hơn nhưng bớt ngộp thở. Tuy nhiên, nói thế không phải là không gay go và kém nghệ thuật, vì đạt đến một tỉnh thức nội tại là cả một nghệ thuật. Trong bài trước, chúng ta phải bắt đầu bằng phép xả. Chắc ai cũng vẫn thực hành phép xả một cách liên tục từ hôm đầu tiên cho đến nay, ngay cả lúc đang đọc những dòng chữ này, vì phép xả là nền tảng của tất cả. Chính nó cũng là cấp độ “TỰ TRI CẤP SƠ ĐẲNG”. 


Không thực hành phép xả, hoặc không thực hành chu đáo liên tục, tức là thiếu sự chuẩn bị, ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi sâu vào việc TỰ TRI, vì phép TỰ TRI đặt nền tảng trên phép xả. Nếu ta thực hành phép xả một cách chu đáo thì việc TỰ TRI đối với ta là một việc dễ dàng và tràn đầy hứng thú. Bây giờ ta hãy hoàn toàn an nghỉ theo phép xả “ Buông bỏ tất cả”. Bỏ đi cái cau mày, mím môi và cắn răng  của ta. Hãy bỏ đi những nét căng thẳng trên da mặt của ta và hãy lắng nghe thật sâu trong chúng ta. 


Trong bài trước, chúng ta chỉ mới đặt để con người chúng ta trong một tư thế nghỉ ngơi và lắng nghe, theo dõi, cũng như kiểm soát các máy động của cơ thể. Trong bài nầy, chúng ta cũng để con người chúng ta ở tư thế luôn luôn an nghỉ trong mọi thời khắc, nhưng chúng ta tiến đến một giai đoạn sâu hơn nghĩa là “Lắng nghe và theo dõi” những ý tưởng, những ý niệm của mình. Lắng nghe và theo dõi tất cả mọi mưu mô toan tính xuất hiện trong não của chúng ta. Làm sao để nhận diện được tất cả các tư tưởng toan tính xuất phát trong tâm não, từ những ý nghĩ thô thiển cho đến các tính toán thầm kín nhất, một cách liên tục, trong mọi thời khắc. 


Đây là điều kiện căn bản cần thiết trong phép TỰ TRI này. Một điều quan trọng, cần ghi nhớ là đừng bao giờ tỏ một thái độ nào đối với các tư tưởng, toan tính đó, dù cho các toan tính đó có hay đẹp đến đâu cũng mặc nó, mà nó xấu xa đê tiện đến đâu cũng cứ thản nhiên. Theo dõi nhận xét trọn vẹn các tiến trình, diễn biến của các tư tưởng, toan tính đó. Mọi thái độ ưa thích, hay không ưa thích, thừa nhận hay không thừa nhận (phủ nhận), chống đối, hoặc đè nén, đều chỉ tạo ra những xung đột nội tâm. Chẳng những thái độ đó không giải quyết được vấn đề nào mà lại còn là một trở ngại ngăn cản ta đi đến một tỉnh thức nội tại nữa. 


Không một thái độ nào có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề. Nhưng một khi tỉnh thức nội tại trỗi dậy thì vấn đề tự nó sẽ giải quyết trọn vẹn. Hãy làm thể ta đặt một tấm gương soi bên trong. Mọi tư tưởng, ý niệm, toan tính, xuất hiện trong tâm trí đều phải được phản chiếu trong tấm gương một cách đầy đủ trọn vẹn. Tấm gương, tuy thu gọn các hình ảnh diễn biến của tư tưởng, ý niệm, lại hoàn toàn không phê phán gì, và khi các ý niệm, tư tưởng đó tan biến thì gương vẫn trong suốt tự nhiên, không hề vương vấn một dấu vết nào của tư  tưởng, ý niệm toan tính vừa qua. 


Chẳng hạn, khi một cơn giận nổi lên, ta hãy thản nhiên theo dõi, như xem một anh hề đang đóng kịch trên sân khấu, theo dõi với tất cả sự chăm chú của một kẻ tò mò, từ khi cơn giận bắt đầu cho đến khi nó tan biến, rồi ta sẽ học hỏi được nhiều điều hay, phát giác ra được lắm cái lạ lùng thích thú, mà đừng tỏ ra một thái độ nào hết. Khi thái độ đưa ra là vấn đề sẽ bị méo mó rồi, và ta sẽ phát giác được điều gì cũng không giải quyết được vấn đề; đối với nỗi buồn, vẫn thế, đừng tìm cách lẩn trốn, hay sợ sệt, vì không giải quyết được vấn đề. Hãy bình thản mà đối diện với nỗi buồn đó, theo dõi tất cả những diễn biến và sự chuyển hướng của nó, lắng nghe cái ray rứt của nó, trong tâm trí cũng như các bắp thịt, các tế bào trong hơi thở. 


Lắng nghe và theo dõi trọn vẹn các tiến trình của nó, xem cách thức nó thành hình và biến dạng ra sao, rồi ta sẽ khám phá ra nhiều lạ lùng. Với các vấn đề khác, cũng áp dụng như thế. Buổi đầu hơi khó khăn nhưng dần dần các lớp tư tưởng hỗn độn, sẽ trở lên trong suốt rõ ràng, khả năng tự tri của ta mỗi lúc mỗi cao hơn. Chẳng những chúng ta nhận ra những tư tưởng thô thiển nổi trên mặt ý thức, mà còn nhận ra được những tính toán âm thầm nằm sâu dưới đáy ý thức nữa! Tâm trí lần lần rảnh rang, tĩnh lặng, những tư tưởng, ý niệm thoáng qua đều được nhận diện một cách trọn vẹn, mà không cần đến một cố gắng nào. Đạt đến cao độ tự tri này, thì một thái độ tinh thần bộc lộ, tâm trí ta thường xuyên tĩnh lặng, bén nhạy, linh hoạt. 


Các vấn đề xưa kia thường gây hỗn loạn và làm nặng trĩu tâm trí thì nay khó mà thành hình cũng như tồn tại được lâu. Đây là cao độ mà một tỉnh thức nội tại đương nhiên xảy đến. Khi một tỉnh thức trỗi dậy, sẽ kêu gọi nhiều tỉnh thức kế tiếp, các quan niệm của ta sẽ nối tiếp nhau sụp đổ, ngay sau khi một tỉnh thức đầu tiên trỗi dậy. Đây là dấu hiệu bắt đầu một sự thông minh tâm hồn. 


Cá nhân bắt đầu buông rơi các kinh nghiệm đã sống theo một đường hướng mà tỉnh thức nội tại đã soi sáng. Nhân cách cá nhân cũng bắt đầu thay đổi. Cá nhân nhìn đời một cách bình thản, hành động trong sự tĩnh lặng của tâm trí, mọi vấn đề xuất hiện qua tâm trí đều được giải quyết tức khắc. Trong mọi sinh hoạt cá nhân luôn luôn ý thức về con người mình, ý thức một cách trọn vẹn tự nhiên, không cần đến một sự cố gắng nào. Từ căn bản TỰ TRI này ta sẽ có các đề mục cá nhân. Ta sẽ có một bài học trắc nghiệm.Chúc qúy vị sớm đạt đến “TỈNH THỨC NỘI TẠI”

IV TĨNH TOẠ : Xin qúy vị cùng chúng tôi tập một thế ngồi. Đây là tư thế ngồi của người Nhật. Tư thế ngồi này rất dễ tập, thích hợp cho mọi lứa tuổi. Ta có thể ngồi trên giường, nền hay sân cỏ, cũng có thể ngồi bất cứ lúc nào thích hợp với cá nhân ta. Thời gian cũng không nhất thiết phải lâu hay mau, có thể từ 10 đến 15 phút hoặc 2, 3 giờ tùy theo mỗi cá nhân miễn sao ngồi cho đúng cách, dù 10 hay 15 phút cũng phải cho đúng. Sau đây là cách ngồi :


1-Qùy gối xuống, hai đầu gối cách nhau khoảng 1 gang rưỡi hay hơn nữa cũng được.
2-Duỗi các ngón chân ra, để hai mu bàn chân sát mặt đất.
3-Hai ngón chân cái xếp chồng lên nhau, hai gót chân bẹt ra.
4-Từ từ ngồi xuống mông đè lên lòng bàn chân và mắt cá chân phía bên trong.
5-Đầu cổ ngay ngắn, xương sống giữ cho thẳng, đừng khòm tới trước, và cũng đừng ưỡn ngực, ngã lưng hay ngồi xiêu vẹo một bên, làm sao cho các đốt xương sống xếp chồng lên nhau, thẳng như ta xếp các viên gạch sao cho viên cao nhất cùng với các viên khác rơi đúng viên gạch nằm nơi dưới cùng. Như thế ta không dùng sức mà chồng gạch tự nhiên vẫn không đổ.

6-Bàn tay xòe ra để úp lên 2 bắp đùi gần đầu gối, mắt hơi khép lại.
7-Nới lỏng các dây thần kinh, nới lỏng các bắp thịt, mềm người ra và đặt trọn con người mình trong tư thế hoàn toàn nghỉ ngơi thoải mái, không còn sợi dây thần kinh hay bắp thịt nào căng thẳng cả. Nét mặt cũng bình thản nghỉ ngơi. Để trọng lực của toàn thân nằm phía dưới hai ống quyển và lòng bàn chân.
8- Chú tâm lắng nghe các máy động trong cơ thể, buông bỏ những ý niệm nghĩ tưởng cũng đừng để ý đến hơi thở, cứ để tâm trí thư thả và đặt con người mình trong tư thế thoải mái an nghỉ.

Buổi đầu, hẳn tê chân, đau hai gót và hai mu bàn chân. Mới tập ta có thể ngồi trên cái mền hay tấm nệm cho êm, dần dần sẽ hết đau và chừng đó ta có thể ngồi bao lâu cũng được. Khi ngồi nên nới rộng thắt lưng, mặc quần áo cho rộng rãi thoải mái. Đây là phương pháp ngồi để thực hiện phép xả và tự tri hiệu nghiệm, nhất là đối với những ai bận rộn nhiều công việc và cảm thấy khó chưa thực hiện được phép xả và tự tri một cách liên tục, chu đáo trong mọi công việc hàng ngày thì có thể bỏ ra ít phút chẳng hạn như trước khi đi ngủ mỗi tối hay sau khi thức dậy buổi sáng. 


Ngồi như thế này để dinh dưỡng thân tâm trong ít phút rồi lần lần áp dụng phép xả và tự tri một cách liên tục, chu đáo trong mọi công việc hàng ngày, một điều cần nhớ : tư thế này thích hợp, dễ áp dụng hơn mọi tư thế khác. Ta cũng chỉ nên xem nó như một trong bao động tác thường nhật của ta thôi, đừng xem nó là tất cả công phu tập thiền của chúng ta, nghĩa là đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ ngồi 1. 2 giờ là đủ. Ngoài ra cần vận dụng tâm trí trong khi đi đứng nằm ngồi khác. 


Đây là một quan niệm sai lầm lớn. Phải làm sao thực hiện cho được phép xả và tự tri trong mọi công tác nhỏ bé thường nhật và mọi thời khắc, mọi nơi, mọi chốn một cách thường trực, không một giây phút nào gián đoạn. Đây là điểm quan trọng. Hẳn ta cũng thấy đấy là điều khó nhất, mặc dù nghe qua thấy nó rất là giản dị.Tuy nhiên có được công phu như thế ta mới khám phá và thân chứng được những gì sâu thẳm vi diệu nơi con người mình, cũng như thực sự thấu đáo được phép xả và đạt đến một cấp độ tự tri trọn vẹn đúng nghĩa. 


Chính vì thế mà tôi không vội giới thiệu tư thế ngồi ngay buổi đầu vì sự ngộ nhận, có người cho rằng Thiền là ngồi và chỉ có ngồi mới có thiền. Cho nên hễ khi nào muốn tập thiền là họ tìm chỗ ngồi xếp chân kiết già, nhắm mắt yên lặng vì họ nghĩ ngồi là Thiền. Đây là sự ngộ nhận hết sức tai hại, thật ra thiền không phủ nhận ngồi, vì dù cho ngồi bằng cách nào cũng chỉ là một tư thế thường nhật như đi, đứng, nằm, ngồi của con người. Có thể buổi đầu tâm trí con lăng xăng vọng động quá nhiều, khi ngồi lại người ta cảm thấy dễ có ý thức về con người mình, dễ kiểm soát mình hơn. 


Vì khi ngồi cũng như khi nằm, người ta ở trong tư thế tương đối “tĩnh” nên dễ nhận ra những cái động, khó nhận xét được các cử động, trừ khi cái khả năng tự tri đã đạt đến cao độ. Tuy nhiên không phải vin vào đó mà lúc nào cũng chỉ lo ngồi, không cố gắng vận dụng tâm trí trong mọi động tác sinh hoạt hàng ngày, mọi thiên chấp đều thiếu sót tai hại.Tham thiền là đối đầu giáp mặt với thực tại. Nhân nơi chỗ tiếp xúc, va chạm với thực tế hàng ngày mà nhận xét, khám phá ra những máy móc bí mật của con người mình theo các phản ứng nội tâm và thách đố của nội giới, tỏ ngộ, đi vào chỗ sâu thẳm vi diệu của con người mình. 


Thiền không bao giờ bi thảm hóa cuộc đời, không chối bỏ thực tế. Trái lại, đối với Thiền mọi sự trên đời này đều chứa đựng những tiếng nói vô cùng. Do đó, môn đồ của Thiền không bao giờ khiếp sợ, lẩn trốn thực tế, dù dưới bất cứ hình thức nào. Ngược lại, mọi thực tế biến động trên đời này đều có thể làm những viên ngọc qúy giá, những hành trang hữu ích đối với một người thành tâm dẫm chân lên Thiền đạo. Cũng chính vì thế mà một môn đồ của Thiền là một người hết sức thành tâm với chính mình, bình thản giáp mặt cuộc đời, mỉm cười với thực tế, thản nhiên từ chối mọi quán trọ, mọi nạng chống, dù đó là bất cứ của ai, nó hứa hẹn một thiên đường rực rỡ cũng mặc!  Có như thế, ta mới đủ tư cách để gõ cửa Thiền và được Thiền môn bật mở, tức là “NGỘ VÀ ĐỒNG NHẤT VỚICHÂN LÝ” là “MỘT VỚI VŨ TRỤ”

V.TƯ TƯỞNG


Trong thời gian thực nghiệm phép TỰ TRI vừa qua, hẳn chúng ta đều nhận ra rằng việc theo dõi và thấu đáo trọn vẹn một tiến trình tư tưởng thật là việc không phải dễ. Trái lại, đó là một công việc rất gay go vất vả đòi hỏi chúng ta phải có một nỗ lực kiên trì to lớn. Chúng ta đã khám phá ra rằng tâm trí chúng ta là cả một thế giới hỗn độn ồn ào, một điều trước kia ta cứ ngờ chỉ có thế giới bên ngoài. 


Nhưng khi nhìn sâu vào tâm trí ta, ta thấy còn hỗn độn, ồn ào gấp trăm lần, và những hỗn độn ồn ào ngoại giới dù sao cũng có từng chỗ, từng lúc, trong nhiều trường hợp ta có thể tránh được nó, nhưng sự hỗn độn ồn ào nội tâm thì ‘vô phương’ lẩn trốn, ngay cả trong khi ta đi một mình trên đường vắng, sống một mình nơi cô tịch, tâm trí ta vẫn không ngừng ồn ào bép xép. Suốt những ngày thực hành phép TỰ TRI vừa qua hẳn ta đã thấu đáo được cách thức của một tư tưởng hình thành, biến dạng và tan loãng


Ta khám phá ra rằng : tư tưởng ta không ngừng xuất đầu lộ diện trong mọi thời khắc, và nó cứ bép xép mãi không thôi. Một khi tư tưởng nẩy sinh, đánh thức một chuỗi dài tư tưởng, các tư tưởng chuyền leo nhau, giang hồ lang thang bất tận, thay hình đổi dạng, biến hóa không ngừng và thường khi ta không kiểm soát nổi chúng. Nhiều khi sự theo dõi kiểm soát của ta hầu như bị các tư tưởng thôi miên, đồng hóa và ta thường ngủ quên trên sự theo dõi tư tưởng. Khi ý thức được thì tư tưởng mà ta theo dõi nó đã “nghìn trùng xa cách” và cái trò này không phải diễn ra có một lần, mà nó định tái diễn nhiều lần đến nỗi đếm không hết. 


Ta cũng thấy tư tưởng xuất hiện một cách lộn xộn, vô căn cứ không hệ thống đầu đuôi gì hết. Sự lải nhải của tư tưởng thường khi thật là vô duyên, vô nghĩa. Danh từ nào cũng tạo ra hình ảnh trong tâm trí. Từ những biến động to tát ngoại giới cho đến cái máy động nhỏ bé của một bắp thịt, một dây thần kinh cũng có thể làm trỗi dậy cả một loạt hình ảnh của một chuỗi ý nghĩa trong tâm trí ta. Tư tưởng cũng là đầu mối của cảm xúc, các nỗi vui buồn, lo âu, sợ hãi v.v … đều bắt nguồn từ các ý nghĩ, tư tưởng. Đôi khi, chỉ có một ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí có thể khơi dậy cả một chuỗi cảm xúc vui buồn. 


Tư tưởng cũng có khuynh hướng lặp lại, sự lặp lại này của tư tưởng đào sâu trí nhớ hay ký ức (ký ức = cứt của ý). Cho nên những gì ta nhớ nhất, thường là được nghĩ đến nhiều nhất. Chính sự lặp đi lặp lại của ý nghĩ hay tư tưởng làm cho các hy vọng của ta tràn đầy, các niềm tin thêm vững chắc. Nhưng cũng sự lặp đi lặp lại của tư tưởng làm cho các nỗi buồn của ta trở nên sâu xa, nỗi đau khổ trở nên nặng trĩu, khiến cho những lo âu của ta trầm trọng, nỗi sợ hãi trở lên khủng khiếp. Tư tưởng luôn bắt nguồn từ quá khứ, từ những gì ta “đã là” để phóng tới tương lai, những gì ‘sẽ là’ của tư tưởng đã khiến ta luôn luôn phải sống trong nuối tiếc, lo âu sợ hãi này thường là những gì ‘đa’ rồi hay những gì ‘chưa tới, chứ không phải những gì ở ‘hiện tại’. Thật khó mà tìm ra nỗi sợ hãi, lo âu hiện tại. 


Chẳng hạn như ta sợ ở tù hay sợ đổ vỡ một cái gì đó. Hẳn là các cảm giác lo sợ chỉ hiện hữu khi cánh cửa nhà giam chưa mở hay cái gì đó chưa đổ vỡ. Nhưng khi giáp mặt với sự việc đó, thì nỗi lo sợ không còn tồn tại nữa. Do đó lo sợ là sản phẩm của tư tưởng dự phóng. Chính sự lặp đi lặp lại những gì ‘đã la’ và sự phóng tới những gì ‘sẽ la’của tư tưởng khiến cho chúng ta thường chỉ sống với những gì đã qua, hay những gì chưa tới, hay ‘muốn là’ chứ không thật sống với những gì ‘hiện tại’, những gì ‘đang là’. Phải chăng đó là những mầm mống của bao nhiêu tiếc nuối, lo âu sợ hãi. 


Nếu quay lại với chính mình, ta sẽ nhận thấy tâm trí ta không ngừng bị chồng chất hỗn độn bởi những từ ngữ của tư tưởng lặp đi lặp lại, và những tư tưởng dự phóng mà ta quá bận rộn với những tư tưởng ý nghĩ đó đến nỗi chúng ta hầu như chỉ biết có quá khứ, những gì đã qua và tương lai, những gì chưa tới, mà không bao giờ biết đến hiện tại những gì ‘đang là’. Do đó hầu như chúng ta bị ngăn cách với thực tại bằng một màng lưới tư tưởng


Trong sinh hoạt thường ngày, mọi cảm nhận trong các cuộc tiếp xúc của ta với người, vật xung quanh ta luôn luôn bị các tư tưởng toan tính hỗn độn chồng chất trong đầu, xuyên tạc bóp méo, pha loãng … khiến cho cảm nhận của ta có vẻ mơ hồ, xa xôi và không bao giờ ta ngắm xem cũng như cảm xúc được các sự vật xung quanh một cách trung thực y như nó ‘đang là’.Từ những nhận thức bị xuyên tạc, bóp méo này mà có ra cái thái độ thiên lệch lầm lẫn mà kết quả tất nhiên là : “XUNG ĐỘT VÀ PHIỀN MUỘN” 


Nếu thực hành phép TỰ TRI một cách chu đáo, ta sẽ khám phá ra tất cả tiến trình tư tưởng, và thấu đáo tiến trình của tư tưởng nầy. Hẳn ta cũng cảm thấy tất cả các dấu hỏi trong bài này : Các dấu hỏi này được đặt ra không phải để được trả lời bằng những tiếng ‘ĐÚNG’ hay ‘SAI’ không phải để được ‘ĐỒNG Ý’ hay ‘PHỦ NHẬN’, bằng ngôn từ hay luận lý, như trong cuộc đối thoại giữa một cá nhân với một cá nhân, mà cốt để chứng nghiệm vấn đề ngay chính cá nhân mình. Bài học này cũng như tất cả bài học khác trong chương trình này không phải là những bài thuyết trình mà có người nói ‘chủ quan’ và một hay nhiều người nghe ‘khách quan’ và người nghe chỉ là người nghe, lo tìm sự đồng ý hay phủ nhận bằng chân lý căn cứ trên kiến thức sách vở, theo các tư kiến, quan niệm cá nhân, hay theo sự suy diễn cạn cợt của ý thức. 


Đây là bài học mà mỗi người chúng ta vưà là diễn giả vừa là thính giả. Người nói và người nghe là một (đồng nhất), không có người nói và người nghe riêng biệt. Nghĩa là mỗi chúng ta hoàn toàn đặt mình trong tư thế TỰ TRI để chứng nghiệm vấn đề ngang với cá nhân mình, tự tìm lời giải đáp bằng những khám phá nội tại của chính cá nhân mình chứ không phải bằng sự lặp lại kinh nghiệm của kẻ khác. Đây là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Chính điều này khiến cho thiền siêu thoát đứng trên mọi tôn giáo, mọi triết học và như thế câu hỏi sẽ không bao giờ được trả lời và người hỏi chính là người trả lời, và sự chứng nghiệm vấn đề của cá nhân tự nó sẽ là lời giải hết sức chính xác và cụ thể rồi. 


Ta có thể học thuộc lòng các từ ngữ, lặp lại y hệt những gì đã nghe, đã đọc, nhưng những sự lặp lại ấy cũng như những thừa nhận hay phủ nhận suông ở trên ngôn từ luận lý theo kiến thức sách vở sẽ không bao giờ giải quyết được những thực chất của vấn đề, mọi lập luận, mọi sự thừa nhận hoặc chối bỏ bề ngoài đều vô giá trị và nó không cần thiết. Sự vô giá trị và không cần thiết này tự nó đã được xác nhận một cách cụ thể khi cá nhân chạm đến những thực tế của cuộc sống chứ không phải là lời kết luận hàm hồ của một kẻ bàng quang chẳng hạn. 


Ta cũng biết trên đời này không có gì là tuyệt đối, xum họp để rồi chia ly, sung sướng để rồi đau khổ, có thành tức có hoại, đi đến thành công rồi sẽ thất bại, mọi sự vật trên đời rồi đều phù du không thực thể. Cái chết như trăm ngàn việc khác, chỉ là một sự tất nhiên không thể tránh trong thân phận làm người. Ấy thế mà khi vĩnh biệt một người thân, hoặc khi gặp một thất bại đổ vỡ nào đó ta vẫn xao xuyến, lo âu, đau khổ và sợ hãi. Sự biết của ta đã bất lực trước những thách đố đó. 


Điều nầy chứng minh rằng sự hiểu biết của ta chỉ là sự hiểu biết của sách vở, sự hiểu biết vay mượn của kẻ khác, chứ không phải sự hiểu biết thật sự của chúng ta, do đó, chúng ta nghiệm chứng bằng hành động, để đạt đến một tỉnh thức nội tại ở nơi chính cá nhân của mình. Nếu sự hiểu biết do chính chúng ta nghiệm chứng vấn đề bằng hành động, đạt đến một tỉnh thức nơi thân ta, thì cục diện sẽ thay đổi hẳn. Một sự  chuyển hóa tâm lý xảy ra giây phút tỉnh thức trỗi dậy, và khi gặp những thách đố thực tế xảy đến, mà ta vẫn thản nhiên đối đầu, giáp mặt mà không hề xao xuyến, lo âu sợ hãi. 


Một sự bình thản, hồn nhiên tràn đầy sự tĩnh lặng và sáng tạo, không cần đến một sự cố gắng nào của ý chí, không cần lập một kinh nghiệm nào để chống đỡ hay chịu đựng hoặc chế ngự những xúc động. Chính đây là lý do Thiền chối bỏ mọi lý luận, mọi kiến thức sách vở, mà chỉ nhấn mạnh đến một tỉnh thức nội tại, đòi hỏi sự chứng nghiệm vấn đề nơi cá nhân. Một môn đồ của thiền xem nhẹ mọi lý luận, chối bỏ mọi niềm tin, đứng trên mọi thị phi, mọi quan niệm, mọi mâu thuẫn, xung đột của người đời. Vì thế ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy các Thiền gia, lúc nào cũng mỉm cười với mọi thách đố thực tế, bình thản trước mọi biến động của cuộc đời, kể cả cái “chết”

VI. CÁI TÔI


Trong bài trước, ta đã đi khá sâu vào tiến trình của tư tưởng. Chúng ta đều thấy rằng tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta dấy khởi chuyển leo nhau thật vô cùng phức tạp, lộn xộn, không thứ lớp hệ thống nào cả. Ta ngạc nhiên thấy rằng mặc dù đã thấy sự lải nhải, bép xép của tư tưởng thật là vô duyên, vô nghĩa nhưng ta cũng không làm sao cho tâm trí tĩnh lặng, trái lại tư tưởng vẫn không ngừng bép xép đến nỗi tâm trí đôi khi hỗn độn nặng trĩu và mệt nhoài. Thật ra sự bép xép này của tư tưởng chỉ ngừng nghỉ khi nào ta đã thấu đáo được trọn vẹn tiến trình của tư tưởng


Sự thấu đáo này có nghĩa : chẳng phải ta theo dõi ý thức được tư tưởng hình thành và diễn tiến mà còn phải khám phá ra được cái nguyên cớ đã cấu tạo nên tư tưởng, cũng như lý do đã khiến cho tư tưởng chuyển leo, bép xép mãi không thôi, do đó, sau khi theo dõi tư tưởng, điều quan trọng là “ Đặc tính của tư tưởng” chứ không phải là tư tưởng. Những đặc tính của tư tưởng đều chủ quan, khi “NGHĨ” luôn luôn phải có cái gì để nghĩ. Có “tư tưởng” và điều “ tư tưởng đến”. 


Mọi tư tưởng đều có đối tượng, không bao giờ có một tư tưởng khách quan, một tư tưởng hay suy nghĩ mà không có đối tượng. Chính cái tính chất chủ quan này của tư tưởng đã khiến cho tư tưởng dù có chuyền leo bay nhảy, suy nghĩ trăm ngàn chuyện lăng xăng thì rốt cuộc cũng quy hướng về mình, hướng về “cái tôi”. Đi sâu vào đặc tính của tư tưởng ta thấy bất cứ tư tưởng nào, dù cho thô thiển hay thầm kín cũng đều hàm dưỡng một tính chất “TÌNH CHẤP” này. 


Thiền gọi đó là “NGÃ CHẤP”. Chấp có tôi, ảo tưởng về một cái “TÔI” cho rằng : “tôi có thật, tôi là một thực thể độc lập, trường tồn bất biến”. Chính cái chấp này (ảo tưởng về một cái tôi có thực thể nầy) là nguồn gốc phát động mọi tư tưởng . Thái độ chúng ta trong cuộc sống, sự lải nhải bép xép của tư tưởng cũng không ngoài mục đích xác nhận cái “TÔI” của chính ta. Và chừng nào cái tính chấp tôi này chưa được khám phá ra thì tư tưởng vẫn còn ồn ào, bép xép, tâm trí ta chưa có thể tĩnh lặng thực sự, cũng như ảo tưởng về cái “tôi” này được soi sáng, quét sạch, thì lúc đó tâm trí mới được an nghỉ và sáng tạo. 


Do đó, điều cần thiết và quan trọng, trong khi thực nghiệm phép “TỰ TRI” là làm thế nào để khám phá hay trực nhận ra cái “TÔI” trong mỗi hành vi tư tưởng của chúng ta. Muốn thực nghiệm điều này, ta phải có một thái độ tinh thần thật tỉnh táo. QUAN SÁT MỘT CÁCH VÔ TƯ : Chẳng hạn, khi một cơn giận nổi lên dù bất cứ duyên cớ gì gây ra, ta hãy đánh một dấu hỏi “tại sao” ? Rồi quan sát kỹ, nhìn sâu vào thái độ giận dữ đó, chỉ bình thản hỏi “tại sao” và lắng nghe thôi, lắng nghe thật sâu một cách tò mò thích thú mà đừng trả lời, cũng đừng lên án hay phê bình chi hết. Nếu tự thâm tâm có vọng lên những lời lẽ bào chữa, biện bạch thì cứ bình thản và lắng nghe quan sát …rồi đặt tiếp dấu hỏi “tại sao”? và “tại sao”, “tại sao”? Rồi cứ lắng nghe thật sâu vào tâm tư mình. 


Khi đứng trước một sự việc nào đó khiến ta thích thú hay khó chịu, đứng trước một thái độ ưa ghét, yêu thương hay thù hận cũng thế, hãy bình thản quan sát các thái độ tình cảm đó và đặt một câu hỏi : tại sao ta lại có thái độ tình cảm đó? Hãy lắng nghe tâm tư ta nó bào chữa, biện luận, như thế nào và đặt dấu hỏi nữa, dấu hỏi nữa …Đứng trước một quan niệm luận lý, đạo đức, một thái độ tinh thần, hãy trịnh trọng đặt một dấu hỏi thật to và chú tâm lắng nghe tâm hồn mình, đừng bỏ qua thái độ nào. Hãy đặt con người mình trong tình trạng nghi vấn, và chú tâm lắng nghe những phản ứng của con người mình. Tỉnh táo quan sát những phản ứng, quan sát một cách vô tư, không lên án hoặc bài xích và cũng không bênh vực phụ họa mà chỉ đặt một dấu hỏi “tại sao?”.


Rồi lắng nghe thật sự vào tâm tư một cách tò mò chăm chú. Dấu hỏi này thật quan trọng và cần thiết. Chính nó sẽ là cái búa gõ vỡ “trạng thái quy định” là trạng thái mà trong đó con người chúng ta bị khuôn đúc, ảnh hưởng bởi trăm ngàn hoàn cảnh, điều kiện của gia đình, xã hội … Từ những nền luân lý giáo dục mà chúng ta hấp thụ, từ những tập quán, thói quen mà chúng ta bị nhiễm lây, cho đến những quan niệm của các tôn giáo chủ thuyết … và những hình ảnh xấu xa về văn hóa, kinh tế, chính trị của cái xã hội mà ta đang sống. Tất cả hoàn cảnh điều kiện này khuôn đúc cấu tạo nên các tư tưởng, thái độ tình cảm của ta.


Chính vì nằm trong trạng thái quy định này mà ta không bao giờ an nghỉ, không bao giờ tự do sáng tạo. Khi đặt một câu hỏi trước một thái độ  và lắng nghe thật sâu vào con người mình, chú tâm quan sát các phản ứng, thái độ của mình, thì tâm trí mình tự nhiên tĩnh lặng. Chính trong sự tĩnh lặng này, ta sẽ khám phá ra những tư tưởng, thái độ của con người mình bị khuôn đúc như thế nào. Ta sẽ nhận được “cái tôi” với tất cả cách thức nó hình thành. Ta sẽ khám phá ra rằng : các ý niệm, thái độ ưa ghét của ta đều xuất phát từ những cố chấp âm thầm mà bên trong có một cái “tôi” trong các hành vi, thái độ, tư tưởng của mình. 


Đó là bắt đầu một sự thông minh tâm hồn, bắt đầu giác ngộ, tỉnh thức. Ngay khi lý giác ngộ hay tỉnh thức trỗi dậy thì tâm trí ta có tĩnh lặng và sáng tạo. Những tranh chấp, xung đột nội tâm bắt đầu chấm dứt, tâm hồn đạt đến sự thoải mái, bình thản tự nhiên, không cần đến một sự cố gắng nào của ý chí và không có một biến cố ngoại giới nào có thể phá vỡ được sự bình thản này. Có một điều là đừng bao giờ tìm cách đè nén, kiềm chế, tư tưởng, dù bất cứ dưới hình thức nào. 


Mọi sự kìm chế, đè nén chỉ tạo ra những phản ứng, và sớm muộn gì thì tâm trí cũng không khỏi tán loạn, xung đột. Mọi tư tưởng hỗn loạn chỉ có thể hóa giải được khi nào những cố chấp âm thầm nằm sâu trong tâm thức ta được soi sáng. Hẳn nhiên, muốn thấu đáo được cái tính chất âm thầm, ẩn sâu trong tâm thức, ta phải có một khả năng tự tri cao độ, như chú tâm theo dõi tiến trình tư tưởng, lắng nghe thật sâu những phản ứng, thái độ tâm tư, và như thế thì tâm trí tự nhiên tĩnh lặng. 


Một sự tĩnh lặng hồn nhiên, không cần vận dụng đến một cố gắng nào. Và chính trong sự tĩnh lặng này ta mới thấu đáo được cái tính chấp, mới khám phá ra cái “tôi”, mới có giác ngộ, thức tỉnh. Chính sự giác ngộ hay thức tỉnh này sẽ hóa giải mọi xung đột, tranh chấp nội tâm, đưa tâm trí đến chỗ an nghỉ, tức là một tâm trí đầy tĩnh lặng và sáng tạo.

VII. LO SỢ : 


Trong chúng ta hẳn không ai là không có một vài lo âu, sợ hãi. Lo âu, sợ hãi là gánh nặng đã từng làm nặng trĩu tâm hồn hầu hết chúng ta. Mướn vệ sĩ gác cửa, đóng bảo hiểm nhân thọ … là những hình thức sợ hãi quá lộ liễu. Nhưng cầu về thiên đàng, sanh về cực lạc, lánh tục tầm tiên, muốn được trường sinh bất tử há không phải là hình thức của sợ hãi, nếu thành tâm nhìn vào đời sống cộng đồng cũng như cá biệt của chính mình, thì ta sẽ thấy cái tình tự lo sợ tràn ngập khắp thế giới hôm nay … 


Từ một anh công nhân nói dối chủ, một cậu học trò lo học ngày đêm cho đến các nhà khoa học, bác học cặm cụi trong phòng thí nghiệm để chế tạo ra khinh khí, hỏa tiễn liên lục địa, các lãnh tụ thế giới chạy Đông chạy Tây để hội họp ký kết các hiệp ước an ninh quốc tế, tất cả đều nằm trong tình tự sợ hãi, lo âu. Có lẽ chưa bao giờ thế giới lại tràn ngập sợ hãi như thời đại của chúng ta hiện nay. Để đi sâu hơn vào vấn đề một cách thiết thực cụ thể chúng ta hãy chú tâm nhìn thẳng vào cái trình tự lo sợ đang hiện hữu trong não của chính mình chứ không phải của người nào khác và nhất tâm tham quán vào vấn đề.

Trước hết, ta hãy xem lo sợ là gì? Phải chăng là cái tâm lý muốn tìm kiếm một sự an toàn, bảo đảm cho cái “tôi” của mình được tồn tại bất diệt. Sợ hãi, tuy có muôn ngàn hình thức, cấp độ khác nhau nhưng tận cùng sự sợ hãi vẫn là lo sợ cái “tôi” không tồn tại. Cái tôi này có thể là người thân nhất trên đời, một đạo sư, một quốc gia, một thế giới, một chủ nghĩa, một lý tưởng cao qúy, đẹp đẽ nào đó … 


Cái tôi này cũng có thể là một đồ vật, một chiếc khăn tay, một quyển sách hay một vật gì đó tầm thường nhỏ bé. Lo sợ luôn luôn là lo sợ một điều gì, nghĩa là phải có một đối tượng, nỗi lo sợ mới hình thành, không thể có một nỗi lo sợ suông. Không bao giờ có sự sợ hãi lo âu mà lại không có một đối tượng. Lo sợ là luôn luôn lo sợ về những gì chưa xảy đến, những gì “sẽ là”, không bao giờ có những lo sợ về những gì “hiện là” hay “đã là”.


Lo sợ chỉ hình thành với những gì ở tương lai, những gì chưa tới mà không bao giờ với những gì ở hiện tại. Do đó, đối tượng của nỗi lo sợ bao giờ cũng chỉ là một hình ảnh phóng rọi từ một kinh nghiệm quá khứ từ những gì “đã là”, từ những ảo giác hay một hình ảnh do trí tưởng tượng bịa đặt chứ không bao giờ là một sự kiện. Lo sợ chính là con đẻ của tư tưởng dự phóng. Chính sự lặp đi nhắc lại của tư tưởng làm cho nỗi lo sợ mỗi lúc thêm sâu nặng. 


Cũng chính vì lo sợ thuộc về tương lai, về những gì “sẽ là” cho nên ngay khi một tình tự lo sợ xuất hiện thì cái thời gian tâm lý cũng được hình thành từ giây phút đó, con người đã bỏ quên đi thực tại mà sống với thời gian được tiên liệu trong tâm trí này. Thế là mãi đâu đâu với tương lai, người ta đã tự đánh mất những gì HIỆN LÀ. Những người thường được xem là thực tế nhất lại là những người thiếu thực tế nhất. Đối tượng của lo sợ chính là hình ảnh. 


Lo sợ đâu có thật! Cho nên khi giáp mặt với sự kiện thì lo sợ tự nhiên biến mất. Cái trình tự sợ hãi mà chúng ta đang đề cập đến là một trình tự sợ hãi tâm lý, được hình thành và nuôi dưỡng bằng sự phóng rọi của tư tưởng. Đối tượng của trình tự sợ hãi này luôn luôn là một hình ảnh chứ không phải một sự kiện. Đứng trên bờ vực thẳm nhìn xuống, ta thấy rợn người, hoặc đang đi có con rắn độc bò ngang đường, ta bỗng giật mình, lùi lại hay tránh sang một bên … là bản tánh thông minh của bản năng


Sự thông minh này là một điều tự nhiên cần thiết, không thể loại trừ và không thể xem là một trình tự sợ hãi. Tuy nhiên, sau khi con rắn bò đi rồi mà ta vẫn còn sợ hãi, đi đâu hay ngồi đâu cũng chỉ sợ gặp rắn, thấy rắn. Một sợi giây giống con rắn cũng làm ta hoảng hốt, chính đây là cái trình tự sợ hãi do tư tưởng phóng rọi từ một kinh nghiệm của quá khứ tạo thành. Đối tượng của trình tự sợ hãi này chẳng những không cần thiết mà còn là một tai nạn cho chúng ta. Chính nó đã ngăn cách ta với thực tại và biến đổi đời sống của ta thành ác mộng


Chính đây là cái trình tự sợ hãi mà chúng ta đang đề cập và cần loại trừ khỏi đời sống. “HY VỌNG” cũng là hình ảnh tương lai của cái “TÔI” được phóng rọi từ  quá khứ, cho nên hy vọng đều chứa đựng sợ hãi. Một khi hy vọng càng tràn đầy thì sợ hãi càng sâu nặng. Từ tình tự sợ hãi dẫn đến hành động lẩn trốn, tìm kiếm an toàn trong chính trị, tôn giáo, trong việc tóm thâu của cải, săn đuổi địa vị, quyền hành, tìm an toàn trong mọi hình thức cấp độ cuộc sống. 


Nếu thành tâm nhìn sâu vào các hành vi tư tưởng của con người mình, ta sẽ thấy cuộc sống của chúng ta chỉ là một cuộc lẩn trốn thực tại bất tận trong mọi sinh hoạt cộng đồng hay cá biệt. Mọi động tác suy tư của chúng ta đều chỉ là một chuỗi dài bất an sợ hãi, và không lúc nào thôi tìm kiếm một sự bảo đảm an toàn. Chính những hành động cầu an lại tạo ra bất an, sợ hãi, và có thể nào có một cuộc sống không sợ hãi giữa thế giới tràn ngập sợ hãi này chăng


Để trả lời câu hỏi này một cách cụ thể, chúng ta hãy chú tâm nhìn thẳng  vào sự sợ hãi đang hiện hữu trong thâm tâm mình, chứ không phải nỗi sợ hãi của một người nào khác. Và dù đó là mối sợ hãi ngày mai sẽ mất sở làm, về cả một sự nghiệp sắp sụp đổ, ta cứ thản nhiên nhìn thẳng vào nỗi lo sợ đó, quan sát nó thật tường tận, chú tâm theo dõi cách nó hình thành và hiện hữu nơi tâm não của ta, cách thức nó đào thoát qua khỏi các hành động, ngôn ngữ của ta


Hãy chú tâm theo dõi nỗi lo sợ đó trong mọi thời khắc, trong mọi sinh hoạt cộng đồng hay cá biệt của ta. Điều cần nhớ là đừng bao giờ tìm cách “TRẤN AN”, hay lẩn trốn nó bằng cách này hay cách khác. Mọi cách trấn an đều có hiệu quả nhất thời, nhưng không bao giờ đưa ta thoát khỏi sợ hãi. Nhận diện được cái tình tự lo sợ trong mỗi hành vi ngôn ngữ của ta, một cách liên tục, trong mọi sinh hoạt, là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Chính trong chỗ quán chiếu mật nhiệm này, các tư tưởng dự phóng lần hồi hết tác dụng, các ảo tưởng mê chấp lần hồi được soi sáng, hóa giải. 


Ngay khi các mê chấp ảo tưởng được soi sáng, hóa giải thì một cuộc chuyển hóa tâm lý thành hình, bắt đầu khai nguồn cho một thái độ mà Thiền gọi là “TINH THẦN VÔ ÚY” hiện sinh. Tinh thần vô úy nói nôm na là tinh thần không có sợ hãi. Nhưng từ ngữ được dùng ở đây không có nghĩa là can đảm, một từ ngữ phản nghĩa của sợ hãi. Nói đúng hơn, can đảm chỉ là một phản ứng của sự sợ hãi, do trình tự  của sợ hãi dồn ép tạo nên. Do đó mọi can đảm đều nằm trong sợ hãi. Tinh thần vô uý cũng không phải là một thái độ trơ lỳ, vô tri, vô cảm, không có ý thức phân biệt như là gỗ đá. Tinh thần vô uý là thái độ của một tâm hồn đã tỉnh thức, không còn ảo tưởng, mê chấp. Chính vì không còn ảo tưởng, mê chấp mà không còn sợ hãi. (Tinh thần vô úy = nhất nguyên nó vượt nhị nguyên đối đãi : sợ hãi và can đảm). 


Trong cuộc sống, con người tỉnh thức chẳng những vẫn có ý thức mà còn ý thức một cách sâu sắc thẳm trọn vẹn mọi biến dịch của sự vật từng tích tắc nữa. Tuy nhiên nhờ mọi cảm nhận đều được soi sáng mà luôn luôn con người tỉnh thức có một cái nhìn “NHƯ THỰC” đối với mọi sự vật. Nghĩa là nhìn sự vật y như nó “đang là” mà không mang một chút ảo tưởng mê chấp về sự vật đó


Chính vì không còn ảo tưởng, mê chấp này nên khi đứng trước mọi biến dịch (thay đổi) của cuộc đời, người tỉnh thức vẫn an nhiên, bình thản, một thái độ bình thản tự phát vô hạn, không cần đến một cố gắng dụng công nào của ý chí và không một biến cố nào có thể xâm phạm đến thái độ này. Chính thái độ bình thản tự phát này, Thiền gọi là “TINH THẦN VÔ ÚY”. Khi tinh thần này hiện hữu thì “Tình yêu vô ngã” cũng thể hiện. Các hành vi, mê chấp của cái TÔI bắt đầu nhường chỗ cho “NHÂN CÁCH CHÂN KHÔNG” và cuộc đời của một cá nhân siêu đẳng bắt đầu.

VIII. ĐỊNH HUỆ


ĐỊNH, nói nôm na là sự “Tĩnh lặng” của tâm trí. Từ ngữ “tĩnh lặng” ở đây dùng có lẽ còn xa thực trạng “Định” của tâm trí. Vì sự tĩnh lặng của tâm trí mà Thiền gọi là “ĐỊNH” ở đây không phải là sự trơ lỳ, vô tri, vô cảm, không có ý thức phân biệt, như gỗ đá, cũng không phải sự tĩnh lặng vô hồn như hư không hay cảnh chết. Trái lại, trạng thái tĩnh lặng của tâm trí được gọi là Định ở đây có hàm dưỡng một sức sống vô bờ, bất tuyệt, tràn đầy khả năng sáng tạo. Một cảm thức bén nhạy vô biên vượt ngoài phạm vi của ý thức. Chính cái sức sống vô biên bất tuyệt và tràn đầy diệu dụng này được gọi là “HUỆ”. 


Thật thế, cái mà thiền được gọi là “HUỆ” hay “Trí huệ” chính là cái sức sống vô biên, bất tuyệt tràn đầy diệu dụng sáng tạo này, chứ không phải là sự hiểu biết khôn ngoan của TRÍ THỨC. Thiền phân biệt rất rõ giữa TRÍ TUỆ và TRÍ THỨC. 


Trí tuệ thông thường gọi tắt là HUỆ, chính là cái cảm thức vô biên, cái sức sống bất tuyệt, tràn đầy sáng tạo sẵn có nơi tâm thể mỗi người chúng ta. Sức sống này tự nó sẵn có đủ, nơi kẻ ngu không bớt, nơi kẻ trí không thêm. Nó được hàm dưỡng trong bản thể con người cũng như vũ trụ, vạn hữu. Không có một sự tập luyên, học hỏi nào có thể làm nên khả năng bất tuyệt này, cũng như không có một biến dịch nào trong đời có thể làm suy giảm hay phá hủy được nó. 


Nó là một khả năng bất tuyệt, tự nhiên và thường tại. Còn trí thức là cái biết thế thường, được cấu tạo bằng sự học tập, bằng những kinh nghiệm va chạm tiếp xúc mà trong đó trí nhớ đóng một vai trò quan trọng. Nó thành một cái kho để tóm thâu, lưu trữ sự hiểu biết. Do đó, trí nhớ bao giờ cũng hữu hạn và luôn luôn lỗi thời, cho nên khi sống với trí thức này con người cứ mãi thao thức tìm kiếm kinh nghiệm cho đến lúc  xuống mồ mà vẫn chưa nguôi! 


Vì là kết quả của sự học tập, của kinh nghiệm nên trí thức không bao giờ có sáng tạo. Những cái mà ta quen gọi là “khám phá” hay “phát minh” của trí thức thật ra là những sự tìm tòi lẩn quẩn tương đối. Các triết thuyết được xây dựng trên trí thức đều luẩn quẩn, không có lối thoát, nghĩa là nó không thể đưa con người thoát khỏi mâu thuẫn xung đột, không bao giờ có thể đưa con người đến chỗ an nghỉ đích thực. 


Mọi tri thức đều có cái TÔI với tất cả phiền lụy, rắc rối của nó. Cho nên cấp độ trí thức càng cao thì cái TÔI càng nặng ký. Nhìn vào lịch sử thế giới xưa nay ta thấy : mọi xung đột phiền muộn, mọi cuộc chiến rùng rợn, phải chăng chỉ vì con người quá khôn ngoan, quá tin tưởng và trông cậy vào trí thức của mình. Tất cả đều bắt nguồn từ va chạm, xô xát của cái TÔI nhỏ mọn, ngu dốt của chúng ta. Ấy thế mà thế giới này đều bám vào trí thức, trông cậy, phó thác tất cả cho trí thức, mọi việc to nhỏ đều được đặt trên trí thức.


Một khi “nhân” đã hư thì “quả” làm sao tốt? Chả trách một nhà viết sử trên thế giới khi được phỏng vấn đã kết luận : Lịch sử của nhân loại chỉ gồm 2 chữ “đau khổ”! Tóm lại, trí thức chỉ là cái biết do nơi sự học tập, do các kinh nghiệm cấu tạo nên, còn “TRÍ TUỆ” là một “CẢM THỨC VÔ BIÊN” bất tuyệt tràn đầy sáng tạo sẵn có nơi thể tánh con người, không có một cái gì tạo nên cả! Do đó, người ta không có thể dùng cách khai mở trí thức bằng sự dạy dỗ học tập kinh nghiệm, để khai mở trí huệ, làm giàu trí huệ, tạo ra trí tuệ … 


Nhiều người nghĩ rằng một cá nhân có khả năng trí thức cao cũng có trí huệ cao, hoặc dễ khai mở trí huệ. Đây là một sự ngộ nhận không nhỏ. Thật ra trí huệ chỉ bộc lộ nơi tâm trí đã buông rơi các kinh nghiệm, đã thoát ly khỏi phạm vi lý trí. Do đó với Thiền thì một kẻ dốt chữ nghĩa đôi khi vẫn có thể là một người có trí huệ tuyệt vời, và người đó vẫn có thể là một cá nhân siêu đẳng, một thánh nhân, một bậc giải thoát giác ngộ. Cũng như một nhà bác học lỗi lạc, một học giả uyên thâm đôi khi vẫn có thể chỉ là một kẻ ngu, một phàm phu không hơn không kém. Nói như thế không có nghĩa là Thiền phủ nhận hay chối bỏ trí thức. 


Thiền muốn nói cho ta biết rằng : chính TRÍ HUỆ chứ không phải TRÍ THỨC là cứu cánh rốt ráo của Thiền, nghĩa là chỉ có TRÍ HUỆ mới đưa ta thoát khỏi mê chấp, khổ lụy, còn TRÍ THỨC không bao giờ đưa ta tới chỗ giải thoát, mặc dầu trí thức vẫn có giá trị riêng của nó. ĐỊNH và HUỆ đều tự phát nơi TỰ TÁNH chúng ta. Nói cách khác, chính nơi Tâm của chúng ta tự nó đã có sẵn ĐỊNH và HUỆ. Sở dĩ chúng ta không có ý thức được điều này, bởi vì cái mớ trí thức được chất quá dầy trong tâm trí, chúng ta cũng có các tư tưởng toan tính này nọ chồng chất hỗn độn. 


Tâm não ta luôn luôn có các mê chấp, mong cầu dấy khởi, mờ mịt che lấp cái tâm thể chúng ta. Cho nên khi nghe nói cái cảm thức tràn đầy tĩnh lặng và sáng tạo được gọi là HUỆ và ĐỊNH này, ta thấy nó có vẻ mơ hồ như một cái gì trừu tượng xa vời ở ngoài mình, cách biệt hẳn với con người mình, chứ không phải nó hiện hữu nơi tâm thể mình, chính nó là mình. Từ cái ý thức sai lầm này tâm trí ta hướng vọng ra bên ngoài để mà tìm ĐỊNH HUỆ, suy tưởng về ĐỊNH HUỆ, xem ĐỊNH HUỆ là một cái gì đó ở bên ngoài và mình phải đạt đến, hoặc phải làm sao cho nó nhập vào mình, rồi tâm trí ta tha hồ phóng rọi ra những hình ảnh về ĐỊNH HUỆ … 


Và chúng ta bày đặt ra “TU ĐỊNH”, “QUÁN HUỆ”, làm như thể ĐỊNH HUỆ là một cái gì đó mà mình có thể tạo ra bằng các phương pháp tập luyện này nọ, hoặc ĐỊNH HUỆ là một ân sủng của một đấng TỐI CAO nào đó ban xuống mà mình cần phải dọn mình theo một phương thức nào đó mới nhận được. Thật ra cái cảm thức linh mẫn tràn đầy tĩnh lặng và sáng tạo mà thiền gia gọi là ĐỊNH và HUỆ, đó là “BẢN TÍNH TỰ PHÁT SẴN CÓ” xưa nay nơi tâm thể của chúng ta. 


Nó không phải là một ân sủng của một đấng tối cao nào, nó cũng không phải là kết quả do công phu tập luyện theo một phương pháp nào đó. Mọi phương thức tập luyện đều có thể đưa tâm trí đến một cấp độ định tâm nào đó, nhưng định tâm, dù ở cấp độ nào, chắc chắn không phải là ĐỊNH HUỆ. Trong nhiều cấp độ định tâm, có thể cá nhân sẽ thấy hình ảnh một đấng thiêng liêng hoặc một cảnh giới huyền bí nào đó. Nhưng thật ra, sự thấy biết đó chẳng có gì là huyền bí hay thiêng liêng gì cả, mà nó chỉ là những ‘ẢO GIÁC’, kết quả của một trạng thái tự  “THÔI MIÊN” của tâm trí. 


Từ cái tâm thể tịch lặng phát động cái tâm thức vô biên, bất tuyệt. Trong mọi cảm thức, đều hàm dưỡng cái thể tịch lặng. ĐỊNH HUỆ tuy là hai nhưng thực ra chỉ là một. Một đàng là THỂ một đàng là DỤNG. ĐỊNH là thể của HUỆ, HUỆ là dụng của ĐỊNH. Trong ĐỊNH có HUỆ, trong HUỆ có ĐỊNH. Ta không thể tách rời ĐỊNH khỏi HUỆ, hay HUỆ khỏi ĐỊNH cũng như không thể nói ĐỊNH có trước HUỆ hay HUỆ có trước ĐỊNH. 


Định Huệ là thể tánh tự phát đồng thời : Hễ không có ĐỊNH thì không có HUỆ, không có HUỆ thì không có ĐỊNH. Tự nơi tâm thể chúng ta đã sẵn có ĐỊNH và HUE. Do đó, mọi phương cách tập luyện cốt để làm cho tâm trí trở nên ĐỊNH hay HUỆ, đều là kết quả của kiến thức sai lầm. Tự thể tánh ta đã có sẵn ĐỊNH và HUỆ. Nhưng sở dĩ ta không ý thức được cái tánh ĐỊNH và HUỆ này, chỉ vì tâm trí ta ngày đêm mải chạy theo ngoại cảnh, lúc nào cũng chăm chú ngó ra ngoài và lấy cảnh vật bên ngoài làm chủ. Chính vì thế mà trong cuộc sống, chẳng những ta không có ý thức được con người mình mà còn luôn luôn thiếu tự chủ, lúc nào cũng rơi vào tình trạng thụ động và bất lực. Cho nên hầu như không bao giờ ta thật sự sống, THẬT SỰ CÓ TỰ DO và SÁNG TẠO.


IX. PHÉP NGHE : 


Để trở về nguồn, về với con người thật của mình, chúng ta hãy áp dụng phép NGHE. Lắng nghe ở đây không có nghĩa là chỉ nghe bằng TAI mà còn nghe bằng “cảm giác”, bằng “ý thức” nữa. Hãy lắng nghe chuyển động của ngoại cảnh xung quanh, lắng nghe cái cảm giác ấm lạnh dễ chịu hay bực bội trong con người mình. Ngay cả trong lúc bệnh hoạn, thân thể bị đau nhức mỏi mệt cũng vậy. Hãy lắng nghe mọi chuyển động ray rứt của ngoại cảnh cũng như của nội giới. Lắng nghe thật sâu. Lắng nghe một cách tổng quát toàn diện, lắng nghe mọi chuyển động, mọi sự vật. 


Từ ngữ “LẮNG NGHE” ở đây là một sự tỉnh thức thường trực về mọi sự vật của ngoại cảnh cũng như nội giới, chứ không phải là một sự tập trung tư tưởng vào riêng một sự vật đặc biệt nào. Chẳng hạn như đang ngồi viết các dòng chữ này, ta vẫn nghe được tiếng phi cơ bay ngang nhà, tiếng chim hót, tiếng trò chuyện của trẻ con bên vườn lân cận, tiếng xe hơi và đồng thời ta cũng nghe rõ cái không khí lành mạnh của buổi sáng, cũng như cái cảm giác máy động trong cơ thể của mình. Chính đây gọi là LẮNG NGHE hay Ý THỨC THƯỜNG TRỰC, nhưng nếu ta chỉ có một việc viết bài hoặc chỉ chú tâm nghe câu chuyện của mấy đứa trẻ, ngoài ra không nghe biết gì khác, quên tất cả … thì đấy là một sự tập trung tư  tưởng.

Nhiều người cho thiền là tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất hay đặc biệt nào đó. Cho nên người ta bày ra đủ phương cách để tập trung tư tưởng. Đây là một điều ngộ nhận vô cùng tai hại. Mọi phương cách tập trung tư tưởng không phải là thiền. Chẳng những không khai mở ĐỊNH HUỆ, mà sự tập trung còn che lấp tâm thể, che lấp tánh ĐỊNH và HUỆ. Có thể sự tập trung tư tưởng cũng làm tâm trí tĩnh lặng một cách giả tạo, thiếu tự nhiên, nhất thời và chỉ có trong một giới hạn nào đó chứ không phải sự tĩnh lặng tự nhiên của tâm thể. 


Mọi sự tập trung tư tưởng đều đòi hỏi một cố gắng của ý chí, đều đi ngược lại cái tánh tự nhiên của tâm thể. Do đó, mọi tĩnh lặng do sự tập trung tư tưởng đều chỉ có một giới hạn, nhất thời và sớm muộn gì, tâm trí cũng vọng động điên đảo trở lại, và một khi bị vọng tưởng trở lại thì sự vọng động này thường đi quá mức bình thường của tâm trí. Đây là phản ứng tất nhiên của tâm trí, sau một thời gian bị đè nén, bằng cách tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất. Sự vọng động này, một khi phát khởi thường xuất hiện bằng những ảo giác, đánh lừa tâm trí. 


Chính cái cảm giác này đã khai sinh ra trăm ngàn chủ thuyết thần bí, dị đoan, mê tín hay cuồng tín và thường được lồng khung trong hình thức tôn giáo. Khi lắng nghe hay ý thức mọi chuyển động của các sự vật một cách bao quát, sâu thẳm, trọn vẹn, thì tư tưởng tự nhiên ngừng bặt, tâm trí tự nhiên trở về cái tâm thể tràn đầy tĩnh lặng và sáng tạo của mình, nghĩa là ta có ĐỊNH HUỆ và ĐỊNH HUỆ ở đây là BẢN TÁNH sẵn có xưa nay nơi tâm thể, không từ đâu đến, cũng không do đâu ra, và đây chính là “NGƯỠNG CỬA THIỀN”. 


Có thể một thời gian ta mới nắm trọn vẹn cái tâm thể tràn đầy tĩnh lặng sáng tạo này cũng như thấu triệt cái ý chí huyền nhiệm của nó. Nhưng chỉ khi nằm trong tâm thể này ta mới thật sự thấu hiểu thế nào là THIỀN, thế nào là ĐỊNH HUỆ. Cũng như mới đạt ngộ được cái ý chí không thể suy diễn của THIỀN. Cũng như THIỀN đối với ta khi đó không còn là một danh từ suông, hay một cái gì xa xôi huyền bí nữa, mà THIỀN đối với ta lúc đó là : ĂN CƠM, UỐNG NƯỚC, ĐI NGỦ, BƠI LỘI, MÚA KIẾM, XEM PHIM, …


Nói tóm lại Thiền là sống một sức sống vô tư, lung linh, lưu chuyển và tiến hóa bất tuyệt … Mọi sinh hoạt của ta đều nằm trong cái sống vô biên bất tuyệt này, và không có một động tác nhỏ bé, một sinh hoạt li ti nào có thể lọt ra ngoài. TA LÀ SỨC SỐNG NÀY – SỨC SỐNG NÀY LÀ TA (không 2). Thiền đối với ta lúc này không còn là một trò chơi trí thức nữa, mà là sống một cách vô biên, bất tuyệt! Như kẻ bừng tỉnh sau cơn ngủ mê, mọi cuộc bàn cãi về sống (chết), về THƯỢNG ĐẾ, LUÂN HỒI, NIẾT BÀN cũng như các triết thuyết này nọ … đều chỉ là phiếm luận đối với ta lúc này, tất cả đều là thứ yếu, không đáng giá 1 xu. 


Ngay cả cái danh từ THIỀN cũng rỗng tuếch. Điều rất quan trọng và ý nghĩa duy nhất đối với ta lúc này là SỐNG! Sống và phản ứng với cuộc sống, trườn mình trong cuộc sống này, và chính trong cái sống tuôn trào bất tuyệt này, ta mới thật sự đạt cái ý nghĩa của TỰ DO và BÌNH ĐẲNG tuyệt đối của vạn hữu, vũ trụ. Cuộc đời đối với ta không còn là một bể khổ mà là một nghệ thuật phẩm tuyệt vời, mà trong đó, mỗi sự vật dù to, nhỏ  đều có một vẻ đẹp lung linh muôn màu, biến hóa từng tích tắc và chuyển lưu cùng ta trong dòng sống bất tuyệt. 


Các quan niệm về thiện ác, phải quấy đều tan biến, mọi thành bại của cuộc đời, từng khiến người đời cười vui hay khóc hận, thì đối với ta nó chỉ là mây trôi, nó tô điểm cho dòng sông thêm đẹp đẽ, sống động mà không làm ta vướng bận. Chính nơi đây, ta mới thật sự đạt đến nghĩa GIẢI THOÁT. 


Giải thoát là đứng trên mọi tranh chấp xung đột, mọi ràng buộc của cuộc đời, ngay từ bây giờ, và trong cái thân phận làm người này, với đầy đủ giác quan, và đang kề vai sát cánh giữa muôn triệu đồng loại, chứ không phải giải thoát là ngồi một mình trên chín tầng mây hay nằm im như là khúc gỗ tận trong ruột địa cầu! 


Chính trong dòng sông tuôn trào bất tuyệt này, tràn dâng một tình yêu PHI NGÃ, cái cảm thức cô đơn, một cảm thức mà hầu hết chúng ta phải đeo mang và tìm trăm phương ngàn kế để lẩn trốn nó, tự nó sẽ không còn chỗ đứng trong tình yêu vô sở hữu, vượt không gian, một dòng sông bất tuyệt, phi thời gian.

Trúc biếc mai vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn.
Hoài tố rộng bao la (Hoài tố tên  một con sông ở Trung quốc)
Biển cả ngày đêm cứ chảy ra,
Trăng trong gió mát thụy đều tùy,
Đào hồng, lý trắng, tường vi tím,
Thử hỏi chủ nhân có hiểu gì ?

Trên đây không phải những vần thơ của các thi sĩ mà là lời khai thị của các môn đệ Thiền gia Việt Nam và Trung Hoa. Muốn thấu đáo ý chỉ, ta phải lắng nghe bằng “TÂM” đừng nghe bằng “TRÍ” hãy nghe bằng “TRỰC GIÁC” chứ đừng nghe bằng “PHÂN BIỆT” của “Ý THỨC”. Nếu không bỏ được phân biệt của ý thức, suy luận và lắng nghe thật sâu vào con người mình, cũng như vào mọi chuyển động của sự vật chung quanh, tự nhiên sẽ thấu đáo được ý chỉ của lời khai thị trên, cũng như tìm được chìa khóa để mở cửa THIỀN, trở về mái nhà xưa.

Một tài tài liệu khác nói về Thiền nữa mời bạn 



Chủ đề có thể bạn quan tâm  :
Bí quyết dạy con thông minh
Những cuốn sách làm thay đổi số phận
Nơi tổ chức các khóa thiền Vipassana   
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nếu bạn thấy hay. Hãy là người đầu tiên trong số bạn bè


0 nhận xét:

Đăng nhận xét